THÔNG
TƯ 72/2014/TT-BTC
ngày 30 tháng 5 năm 2014
Quy định
về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt
Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh
Căn cứ Luật thuế giá
trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm
2013;
Căn cứ Luật Quản lý
thuế số 78/2006/QH10 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật quản lý thuế 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012
Căn cứ Nghị định số
83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số
209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một
số điều Luật thuế giá trị gia tăng;
Căn cứ Nghị định số
215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính,
Thực hiện ý kiến chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 806/TTg-KTTH ngày 30 tháng 5 năm
2014;
Theo đề nghị của Tổng
cục trưởng Tổng cục Hải quan;
Bộ trưởng Bộ Tài
chính ban hành Thông tư quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa
của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất
cảnh như sau:
Mục 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối
với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài theo quy
định tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị
gia tăng số 31/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 và khoản 8 Điều 10 Nghị định số
209/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng qua các cửa khẩu sân bay quốc
tế, cảng biển quốc tế có đủ điều kiện quản lý nhà nước về hải quan (sau đây gọi
tắt là cửa khẩu hoàn thuế).
Điều
2. Đối tượng áp dụng :
1) Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài,
trừ thành viên của Tổ bay theo quy định của pháp luật về hàng không, thành viên
của Đoàn thủy thủ theo quy định của pháp luật về hàng hải (sau đây gọi tắt là
người nước ngoài) mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập xuất cảnh do nước ngoài cấp
còn giá trị và sử dụng giấy tờ đó để nhập xuất cảnh Việt Nam, mua hàng hóa tại
Việt Nam và mang theo hàng hóa ra nước ngoài qua các cửa khẩu hoàn thuế.
2) Cơ quan hải quan, công chức hải quan, cơ quan thuế,
công chức thuế có liên quan đến việc thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho
người nước ngoài.
3) Doanh nghiệp được lựa chọn bán hàng hoàn thuế giá trị
gia tăng cho người nước ngoài xuất cảnh, bao gồm: doanh nghiệp, chi nhánh, cửa
hàng của doanh nghiệp, đại lý bán hàng cho doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là doanh
nghiệp bán hàng).
4) Ngân hàng thương mại được lựa chọn là đại lý hoàn thuế
giá trị gia tăng cho người nước ngoài (sau đây gọi tắt là ngân hàng thương mại).
5) Tổ chức, cá nhân khác khi thực hiện các công việc có
liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài.
Điều
3. Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, quản lý
thuế
Việc kiểm tra thực tế hàng hóa, giám sát hải quan, quản
lý thuế đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài được thực
hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15
tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra,
giám sát hải quan; Điều 3 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan;
thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu; Điều 4 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH10 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Khoản
1 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý
thuế; Điều 4 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Điều
4. Địa điểm kiểm tra hàng hóa, kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế và địa
điểm trả tiền hoàn thuế giá trị gia tăng
1. Địa điểm kiểm tra hàng hóa, hóa đơn kiêm tờ khai
hoàn thuế được đặt trong khu vực làm thủ tục gửi hành lý và/ hoặc khu vực kiểm
tra thẻ lên tàu bay/tàu biển và đảm bảo các điều kiện sau:
a) Có đủ diện tích mặt bằng cần thiết để sắp xếp, kiểm
tra hàng hóa, kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế;
b) Có quầy (hoặc kiốt) riêng, đáp ứng các yêu cầu về an
toàn, trật tự.
2. Địa điểm trả tiền hoàn thuế giá trị gia tăng được
đặt trong khu vực cách ly sân bay quốc tế, khu vực hoàn thuế tại cảng biển quốc
tế, có quầy (hoặc kiốt) riêng, đảm bảo các điều kiện về quản lý tiền, chứng từ
kế toán theo quy định của pháp luật.
Điều
5. Quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài
1. Được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa đáp
ứng quy định tại Điều 11 Thông tư này.
2. Được hướng dẫn, cung cấp thông tin, tài liệu có liên
quan để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.
3. Kiểm tra các thông tin ghi trên hóa đơn giá trị gia
tăng kiêm tờ khai hoàn thuế (sau đây gọi tắt là hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế)
do doanh nghiệp bán hàng lập khi mua hàng theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông
tư này.
4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác,
tính hợp pháp, trung thực của hộ chiếu, giấy tờ nhập, xuất cảnh xuất trình cho doanh
nghiệp bán hàng khi mua hàng; hộ chiếu, giấy tờ nhập xuất cảnh, hàng hóa, hóa đơn
kiêm tờ khai hoàn thuế xuất trình cho cơ quan hải quan và hồ sơ xuất trình cho ngân
hàng thương mại làm đại lý hoàn thuế khi xuất cảnh.
5. Nộp hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế và xuất trình hàng
hóa chậm nhất 30 phút để cơ quan hải quan kiểm tra trước khi tàu bay/tàu biển
khởi hành.
6. Khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi
hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
7. Tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của công chức hải
quan, công chức thuế và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều
6. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng
1. Được áp dụng các hình thức tuyên truyền, quảng cáo bán
hàng hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài xuất cảnh phù hợp với quy
định của pháp luật về quảng cáo.
2. Đăng ký việc bán hàng đúng địa chỉ và chịu trách nhiệm
trước pháp luật về việc đăng ký bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng.
3. Trưng Biển thông báo doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế
giá trị gia tăng (nội dung thể hiện bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh) và gỡ bỏ Biển
thông báo doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng khi chấm dứt việc
bán hàng hoàn thuế.
4. Được cơ quan thuế, cơ quan hải quan hướng dẫn việc
thực hiện liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài.
5. Hỗ trợ, hướng dẫn người nước ngoài thực hiện hoàn thuế
giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang
theo khi xuất cảnh theo hướng dẫn tại Thông tư này.
6. Căn cứ các thông tin trên hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập
xuất cảnh còn giá trị và hàng hóa người nước ngoài mua, doanh nghiệp bán hàng lập
hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế cho hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị
gia tăng đáp ứng quy định tại Điều 11 Thông tư này, đầy đủ thông tin theo mẫu quy
định tại Phụ lục 3 Thông tư này, giao cho người nước ngoài 01 liên dùng cho
khách hàng.
7. In, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn kiêm tờ khai
hoàn thuế, thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định của pháp luật về hóa đơn
bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và hướng dẫn tại Thông tư này.
8. Tham gia vào hệ thống quản lý hoàn thuế giá trị gia
tăng cho người nước ngoài theo phương thức điện tử của cơ quan quản lý thuế.
9. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của
Luật Quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.
Điều
7. Quyền, nghĩa vụ của ngân hàng thương mại
1. Được cơ quan hải quan, cơ quan thuế hướng dẫn việc
triển khai thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài.
2. Trưng Biển thông báo ngân hàng thương mại làm đại lý
hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài tại quầy làm thủ tục hoàn thuế (nội
dung thể hiện bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh) và gỡ bỏ Biển thông báo ngân hàng
thương mại làm đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng khi chấm dứt việc làm đại lý hoàn
thuế.
3. Được hưởng tiền phí dịch vụ hoàn thuế khi thực hiện
hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài theo quy định tại Điều 12 Thông
tư này.
4. Kê khai, nộp các khoản thuế theo quy định đối với số
tiền phí dịch vụ hoàn thuế được hưởng khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng
cho người nước ngoài.
5. Kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, bố trí nhân sự, cơ sở vật
chất, ứng trước và thực hiện hoàn trả tiền thuế giá trị gia tăng cho người nước
ngoài, làm thủ tục thanh toán với cơ quan thuế theo đúng quy định tại Điều 21 Thông
tư này.
6. Bán ngoại tệ tự do chuyển đổi cho người nước ngoài
được hoàn thuế khi người nước ngoài yêu cầu chuyển đổi số tiền thuế giá trị gia
tăng được hoàn sang ngoại tệ, thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định của
pháp luật.
7. Lưu trữ hồ sơ liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia
tăng cho người nước ngoài và hồ sơ thanh toán tiền ứng trước, tiền phí dịch vụ
hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài theo đúng quy định của pháp
luật.
8. Thông báo thông tin vi phạm phát hiện qua công tác
kiểm tra hồ sơ hoàn thuế cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của
pháp luật.
9. Tham gia vào hệ thống quản lý hoàn thuế giá trị gia
tăng cho người nước ngoài theo phương thức điện tử của cơ quan quản lý thuế.
10. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của
Luật Quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.
Điều
8. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan hải quan
1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích, cung
cấp thông tin liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước
ngoài.
2. Kiểm tra hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập xuất cảnh, hóa đơn
kiêm tờ khai hoàn thuế, kiểm tra hàng hóa người nước ngoài xuất trình tại địa
điểm kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế.
3. Chi cục trưởng Chi cục hải quan quyết định việc tiếp
nhận hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế và hàng hóa xuất trình chậm sau thời hạn
quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này.
4. Tiếp nhận hồ sơ, trình Bộ Tài chính lựa chọn Ngân hàng
thương mại làm đại lý hoàn thuế theo đúng quy định tại Điều 15 Thông tư này.
5. Cập nhật thông tin về người nước ngoài và số tiền thuế
giá trị gia tăng người nước ngoài thực tế được hoàn vào cơ sở dữ liệu về hoàn
thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài.
6. Phối hợp với Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế đồng cấp rà
soát, đối chiếu số tiền thuế giá trị gia tăng ngân hàng thương mại đã ứng trước
hoàn trả người nước ngoài, tiền phí dịch vụ hoàn thuế đã thanh toán cho ngân
hàng thương mại để đảm bảo khớp đúng số liệu giữa các bên.
7. Xây dựng hệ thống quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng
cho người nước ngoài theo phương thức điện tử của cơ quan quản lý thuế.
8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực
hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài trong phạm vi trách nhiệm
được giao.
9. Xử phạt, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt các
hành vi vi phạm quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài
theo quy định của pháp luật.
10. Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định
của Luật Quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.
Điều
9. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan thuế
1. Hỗ trợ, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích,
cung cấp thông tin liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước
ngoài.
2. Tiếp nhận hồ sơ, lựa chọn doanh nghiệp bán hàng theo
đúng quy định tại Thông tư này.
3. Kiểm tra hồ sơ, làm thủ tục thanh toán số tiền thuế
giá trị gia tăng ngân hàng thương mại đã ứng trước hoàn trả cho người nước
ngoài và tiền phí dịch vụ hoàn thuế ngân hàng thương mại được hưởng để Kho bạc
Nhà nước làm thủ tục chuyển tiền theo hướng dẫn tại Thông tư này.
4. Lưu trữ hồ sơ thanh toán tiền thuế giá trị gia tăng,
tiền phí dịch vụ hoàn thuế ngân hàng thương mại được hưởng theo quy định của
pháp luật.
5. Chủ trì phối hợp với Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan
đồng cấp rà soát, đối chiếu số tiền thuế giá trị gia tăng ngân hàng thương mại
đã ứng trước hoàn trả người nước ngoài (khi đối chiếu có danh sách chi tiết kèm
theo), tiền phí dịch vụ hoàn thuế đã thanh toán cho ngân hàng thương mại để đảm
bảo khớp đúng số liệu giữa các bên.
6. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hóa đơn theo
quy định của pháp luật.
7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực
hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài trong phạm vi trách nhiệm
được giao.
8. Tham gia vào hệ thống quản lý hoàn thuế giá trị gia
tăng cho người nước ngoài theo phương thức điện tử của cơ quan quản lý thuế.
9. Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định
của Luật Quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.
Điều
10. Trách nhiệm, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước
1. Chuyển cho ngân hàng thương mại số tiền thuế giá trị
gia tăng ngân hàng thương mại đã ứng trước và tiền phí dịch vụ hoàn thuế ngân
hàng thương mại được hưởng theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan đồng cấp rà soát,
đối chiếu số tiền thuế giá trị gia tăng ngân hàng thương mại đã ứng trước hoàn
trả người nước ngoài, tiền phí dịch vụ hoàn thuế đã thanh toán cho ngân hàng
thương mại để đảm bảo khớp đúng số liệu giữa các bên.
3. Lưu trữ hồ sơ chuyển tiền hoàn trả số tiền thuế giá
trị gia tăng ngân hàng thương mại đã ứng trước và tiền phí dịch vụ hoàn thuế
ngân hàng thương mại được hưởng theo quy định của pháp luật.
4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thanh
toán thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài trong phạm vi trách nhiệm được
giao.
5. Tham gia vào hệ thống quản lý hoàn thuế giá trị gia
tăng cho người nước ngoài theo phương thức điện tử của cơ quan quản lý thuế.
6. Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định
của pháp luật.
Mục
2. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều
11. Hàng hóa được hoàn thuế giá trị gia tăng
Hàng
hóa được hoàn thuế giá trị gia tăng là hàng hóa đáp ứng quy định sau:
1.
Hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu; Danh mục hàng hóa xuất
khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) hoặc Danh mục
hàng hóa xuất khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP
ngày 20/11/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn Nghị định này.
2.
Hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng được quy định tại Điều 3
Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008 và các văn
bản hướng dẫn thực hiện.
3.
Hàng hóa không thuộc đối tượng cấm đưa lên tàu bay quy định tại Điều 12 Luật
Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và các văn bản hướng dẫn
thực hiện.
4.
Hàng hóa không thuộc các mặt hàng được hoàn thuế giá trị gia tăng của người
nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 08/2003/TT-BTC ngày 15/1/2003 của Bộ
Tài chính hướng dẫn hoàn thuế giá trị gia tăng đối với cơ quan đại diện ngoại
giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
5. Hàng
hóa mua tại Việt Nam, có hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế được lập trong thời
gian tối đa 60 (sáu mươi) ngày tính đến ngày người nước ngoài xuất cảnh.
6.
Trị giá hàng hóa ghi trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế mua tại 01 (một) cửa
hàng trong 01 (một) ngày (kể cả cộng gộp nhiều hóa đơn mua hàng trong cùng 01
ngày tại 01 cửa hàng) tối thiểu từ 02 (hai) triệu đồng trở lên.
Điều 12. Phí dịch vụ hoàn thuế, số tiền được
hoàn thuế, đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng
1.
Phí dịch vụ hoàn thuế ngân hàng thương mại được hưởng bằng 15% (mười lăm phần
trăm) trên tổng số tiền thuế giá trị gia tăng của số hàng hóa đủ điều kiện được
hoàn thuế giá trị gia tăng do người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh qua cửa
khẩu hoàn thuế.
2.
Số tiền thuế giá trị gia tăng người nước ngoài được hoàn bằng 85% (tám mươi lăm
phần trăm) trên tổng số tiền thuế giá trị gia tăng của số hàng hóa đủ điều kiện
được hoàn thuế giá trị gia tăng do người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh qua
cửa khẩu hoàn thuế.
3.
Đồng tiền hoàn thuế là đồng Việt Nam. Trường hợp người nước ngoài có yêu cầu được
chuyển số tiền hoàn thuế từ đồng Việt Nam sang ngoại tệ tự do chuyển đổi thì ngân
hàng thương mại thực hiện bán ngoại tệ cho người nước ngoài theo quy định của
pháp luật.
Tỷ
giá chuyển đổi là tỷ giá do ngân hàng thương mại niêm yết tại thời điểm chuyển
đổi và phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Điều 13. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục lựa
chọn doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng
1. Để
được lựa chọn là doanh nghiệp bán hàng, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện
sau đây:
a) Được
thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có đăng ký bán
hàng hoàn thuế giá trị gia tăng, kinh doanh các mặt hàng được hoàn thuế theo
quy định tại Điều 11 Thông tư này tại một trong các địa điểm sau đây:
- Trụ
sở chính của doanh nghiệp;
-
Chi nhánh, cửa hàng của doanh nghiệp;
-
Địa điểm đặt đại lý bán hàng cho doanh nghiệp;
b)
Thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật; kê
khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
2.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế:
a)
Công văn đăng ký tham gia bán hàng theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này;
b)
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;
c)
Hợp đồng bán hàng đại lý ký giữa doanh nghiệp đăng ký bán hàng với cửa hàng bán
hàng đại lý cho doanh nghiệp (đối với trường hợp là cửa hàng đại lý bán hàng
cho doanh nghiệp): 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp.
3.
Thủ tục chọn doanh nghiệp:
a)
Doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp;
b) Cơ
quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như
sau:
-
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp
nhận hồ sơ có văn bản thông báo cho doanh nghiệp bổ sung hồ sơ;
-
Nếu hồ sơ không đáp ứng điều kiện quy định, trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm
việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ có văn bản trả lời cho doanh nghiệp;
-
Nếu hồ sơ đầy đủ, đáp ứng các điều kiện quy định, trong thời hạn 07 (bảy) ngày
làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý thuế trực tiếp
doanh nghiệp báo cáo Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh
nghiệp đóng trụ sở chính, Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi
doanh nghiệp đóng trụ sở chính có văn bản thông báo cho doanh nghiệp theo mẫu quy
định tại Phụ lục 2 Thông tư này.
Điều 14. Đăng ký điều chỉnh, chấm dứt
việc bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng
Trường
hợp doanh nghiệp đã được Cục Thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính
thông báo đủ điều kiện bán hàng, nếu có điều chỉnh hoặc chấm dứt việc đăng ký bán
hàng hoàn thuế thì xử lý như sau:
1.
Trường hợp điều chỉnh việc bán hàng hoàn thuế:
a)
Doanh nghiệp gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp công văn đăng ký điều chỉnh theo
mẫu quy định tại Phụ lục 8 Thông tư này; Hợp đồng bán hàng đại lý ký giữa doanh
nghiệp bán hàng hoàn thuế với cửa hàng nhận bán hàng đại lý cho doanh nghiệp
(đối với trường hợp là cửa hàng đại lý bán hàng cho doanh nghiệp): 01 bản chụp
có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;
b) Thủ
tục thực hiện như quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư này.
2.
Trường hợp chấm dứt việc bán hàng hoàn thuế:
a) Chậm
nhất là 30 ngày trước ngày chấm dứt việc bán hàng hoàn thuế, doanh nghiệp gửi công
văn thông báo chấm dứt việc bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước
ngoài đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp;
b) Trong
vòng 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được công văn của doanh nghiệp, cơ quan
thuế quản lý trực tiếp kiểm tra, có văn bản báo cáo Cục Thuế tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính để Cục Thuế tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản gửi doanh nghiệp, cơ quan hải quan,
ngân hàng thương mại thông báo về việc chấm dứt bán hàng hoàn thuế đối với
doanh nghiệp.
Doanh
nghiệp tháo bỏ Biển thông báo doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng
cho người nước ngoài đã dán tại cửa hàng khi chấm dứt bán hàng hoàn thuế.
3.
Trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về việc hoàn thuế giá trị gia tăng
tại Thông tư này, Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết
định chấm dứt việc bán hàng hoàn thuế:
a) Cục
Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản thông báo chấm dứt việc
bán hàng hoàn thuế cho doanh nghiệp, đồng thời gửi cơ quan hải quan, ngân hàng
thương mại và các đơn vị có liên quan;
b)
Doanh nghiệp tháo bỏ Biển thông báo doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia
tăng cho người nước ngoài đã dán tại cửa hàng khi chấm dứt bán hàng hoàn thuế.
Điều 15. Điều kiện, thủ tục lựa chọn
Ngân hàng thương mại làm đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng
1. Điều
kiện: Là ngân hàng thương mại được hoạt động ngoại hối và cung ứng dịch vụ
ngoại hối theo quy định của pháp luật về ngoại hối.
2. Thủ
tục lựa chọn:
Ngân
hàng thương mại nộp cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) các giấy tờ sau đây:
a)
Công văn đăng ký tham gia đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước
ngoài;
b) Văn
bản của Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại được hoạt động ngoại
hối và cung ứng dịch vụ ngoại hối: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của ngân
hàng thương mại.
3. Tổng
cục Hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ do ngân hàng thương mại gửi.
a)
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp
nhận hồ sơ có văn bản thông báo cho ngân hàng bổ sung hồ sơ;
b)
Nếu hồ sơ không đáp ứng điều kiện quy định, trong thời hạn bảy (07) ngày làm
việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời cho ngân hàng;
c)
Nếu hồ sơ đầy đủ, đáp ứng các điều kiện quy định, trong thời hạn mười (10) ngày
làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) phối hợp với
Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham
gia đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng.
4.
Trên cơ sở đề nghị và cam kết của Ngân hàng thương mại, Tổng cục Hải quan thống
nhất với Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế báo cáo Bộ Tài
chính quyết định lựa chọn Ngân hàng thương mại phù hợp với thực tế từng cửa
khẩu sân bay, cảng biển quốc tế.
Điều 16. Chấm dứt đại lý hoàn thuế giá
trị gia tăng
1. Trường
hợp ngân hàng thương mại đã được Bộ Tài chính có văn bản thông báo đủ điều kiện
làm đại lý hoàn thuế, nếu chấm dứt việc làm đại lý hoàn thuế thì thực hiện như
sau:
a) Hồ
sơ: Chậm nhất là 60 (sáu mươi) ngày trước ngày chấm dứt việc làm đại lý hoàn
thuế, Ngân hàng thương mại gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) công văn thông
báo đề nghị chấm dứt việc làm đại lý hoàn thuế;
b) Thủ
tục:
b1)
Trong vòng 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn của ngân hàng
thương mại, Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính có văn bản thông báo về việc
chấm dứt việc làm đại lý hoàn thuế cho ngân hàng thương mại, đồng thời gửi cơ
quan thuế, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị có liên quan;
b2) Ngân
hàng thương mại tháo bỏ Biển thông báo là ngân hàng đại lý hoàn thuế giá trị
gia tăng cho người nước ngoài tại quầy làm thủ tục hoàn thuế khi chấm dứt bán
hàng hoàn thuế.
2.
Trường hợp ngân hàng thương mại vi phạm các quy định về việc hoàn thuế giá trị
gia tăng tại Thông tư này, Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính xem xét,
quyết định chấm dứt việc làm đại lý hoàn thuế.
a)
Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) có văn bản yêu cầu chấm dứt việc làm đại lý
hoàn thuế cho ngân hàng thương mại, đồng thời gửi cơ quan thuế, Ngân hàng Nhà
nước và các đơn vị có liên quan;
b)
Ngân hàng thương mại tháo bỏ Biển thông báo là ngân hàng đại lý hoàn thuế giá
trị gia tăng cho người nước ngoài tại quầy làm thủ tục hoàn thuế khi chấm dứt
bán hàng hoàn thuế
Điều 17. Thời điểm hoàn thuế giá trị gia
tăng
1.
Thời điểm hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài xuất cảnh được thực
hiện ngay sau khi người nước ngoài hoàn thành thủ tục kiểm tra hóa đơn kiêm tờ
khai hoàn thuế tại quầy hoàn thuế của ngân hàng thương mại làm đại lý hoàn thuế
và trước giờ lên tàu bay/tàu biển của chuyến bay/chuyến tàu người nước ngoài xuất
cảnh.
2. Cơ quan hải quan, ngân hàng thương mại có trách nhiệm
bố trí cán bộ, công chức làm việc trong tất cả các ngày kể cả ngày lễ, chủ nhật
và ngoài giờ làm việc hành chính để thực hiện hoàn trả tiền thuế giá trị gia
tăng cho người nước ngoài theo quy định tại Thông tư này.
Điều
18. In, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế giá trị gia
tăng
1. Doanh nghiệp tự in hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế theo
mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này.
Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn kiêm tờ
khai hoàn thuế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày
14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014
của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày
14/5/2010 của Chính phủ và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính
phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
2. Khi mua hàng, người nước ngoài xuất trình hộ chiếu
hoặc giấy tờ nhập xuất cảnh do cơ quan nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng (bản
chính) cho doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế. Doanh nghiệp căn cứ thông tin trên
hộ chiếu, giấy tờ nhập xuất cảnh và hàng hóa người nước ngoài thực mua, lập hóa
đơn kiêm tờ khai hoàn thuế theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này.
3. Người nước ngoài kiểm tra các thông tin cửa hàng ghi
nếu chưa khớp đúng đề nghị cửa hàng sửa lại, nếu đã chính xác thì ký vào hóa
đơn kiêm tờ khai hoàn thuế.
4. Doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế khi khai hồ sơ khai
thuế giá trị gia tăng tháng, tại “cột ghi chú” của Bảng kê hóa đơn, chứng từ
hàng hóa, dịch vụ bán ra mẫu 01-1/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số
156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ ghi cụm
từ “Thông tư số 72/2014/TT-BTC” tương ứng của dòng hóa đơn để làm cơ sở tổng
hợp báo cáo theo quy định tại Thông tư này.
5. Cập nhật thông tin trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế
do doanh nghiệp bán hàng hoán thuế lập vào hệ thống quản lý hoàn thuế giá trị
gia tăng cho người nước ngoài theo phương thức điện tử.
Điều
19. Xuất trình, kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế và hàng hóa
1. Người nước ngoài xuất trình cho cơ quan hải quan tại
quầy kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, hàng hóa, các giấy tờ sau đây:
a) Hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập xuất cảnh;
b) Hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế;
c) Hàng hóa.
2. Cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa tại quầy
kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, hàng hóa. Việc kiểm tra thực hiện như
sau:
a) Đối chiếu xác định từng nội dung khớp đúng giữa thông
tin ghi trên hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập xuất cảnh với thông tin trên hóa đơn
kiêm tờ khai hoàn thuế và các quy định về hàng hóa được hoàn thuế quy định tại Điều
11 Thông tư này;
b) Kiểm tra thực tế hàng hóa đối với hàng hóa phải kiểm
tra thực tế theo nguyên tắc quản lý rủi ro;
c) Ghi kết quả kiểm tra; xác định mặt
hàng, tính số tiền thuế giá trị gia tăng người nước ngoài thực tế được hoàn theo
quy định tại Điều 12 Thông tư này; ký, đóng dấu xác nhận đã kiểm tra vào hóa đơn
kiêm tờ khai hoàn thuế;
d) Cập nhật thông tin về người nước ngoài, số tiền thuế
giá trị gia tăng người nước ngoài thực tế được hoàn vào cơ sở dữ liệu của cơ
quan hải quan về hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài xuất cảnh theo
mẫu quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này.
Điều
20. Hoàn trả tiền thuế cho người nước ngoài
1. Sau khi hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế và hàng hóa đã
được cơ quan hải quan kiểm tra, người nước ngoài có trách nhiệm xuất trình cho
ngân hàng thương mại tại quầy hoàn thuế:
a) Thẻ lên tàu bay/tàu biển;
b) Hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế đã được cơ quan hải
quan kiểm tra xác định mặt hàng, tính số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng người
nước ngoài được hoàn và đóng dấu xác nhận (bản chính).
2. Ngân hàng thương mại thực hiện:
a) Kiểm tra thẻ lên tàu bay/tàu biển; hóa đơn kiêm tờ
khai hoàn thuế đã được cơ quan hải quan kiểm tra, đóng dấu xác nhận;
b) Ghi số hiệu, ngày tháng chuyến bay/chuyến tàu vào hóa đơn
kiêm tờ khai hoàn thuế;
c) Trả tiền hoàn thuế cho người nước ngoài theo số tiền
thuế giá trị gia tăng người nước ngoài thực tế được hoàn do cơ quan hải quan
tính ghi trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, đồng thời ký tên, đóng dấu xác
nhận đã thanh toán tiền hoàn thuế cho người nước ngoài lên hóa đơn kiêm tờ khai
hoàn thuế;
d) Trả lại người nước ngoài thẻ lên tàu bay/tàu biển;
đ) Lưu trữ hồ sơ hoàn thuế theo quy định của pháp luật.
Điều
21. Thanh toán, hoàn trả số tiền thuế đã ứng trước, tiền phí dịch vụ hoàn thuế giá
trị gia tăng
1. Định kỳ bảy (7) ngày một lần, ngân hàng thương mại căn
cứ tình hình thực tế, lập và gửi hồ sơ đề nghị thanh toán, hoàn trả số tiền
thuế đã ứng trước, tiền phí dịch vụ hoàn thuế được hưởng đến Cục Thuế nơi Ngân
hàng thương mại đăng ký, khai thuế. Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị thanh toán số tiền thuế đã ứng trước,
tiền phí dịch vụ hoàn thuế của kỳ thanh toán theo mẫu quy định tại Phụ lục 5
Thông tư này;
b) Bảng kê đề nghị thanh toán theo mẫu quy định tại Phụ
lục 6 Thông tư này.
2. Trong thời hạn tối đa hai (02) ngày làm việc kể từ
ngày nhận được đề nghị thanh toán của ngân hàng thương mại, Cục Thuế nơi Ngân
hàng thương mại đăng ký, khai thuế ban hành Quyết định thanh toán theo mẫu quy
định tại Phụ lục 7 Thông tư này đồng thời lập Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách
nhà nước theo mẫu quy định ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày
6/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ gửi Ngân
hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước đồng cấp để thực hiện chuyển tiền cho ngân
hàng thương mại.
3. Căn cứ Quyết định thanh toán và Lệnh hoàn trả do Cục
Thuế nơi Ngân hàng thương mại đăng ký, khai thuế ban hành, Kho bạc Nhà nước chuyển
tiền cho ngân hàng thương mại. Nguồn tiền thanh toán được trích từ Quỹ hoàn
thuế giá trị gia tăng.
4. Việc hạch toán và luân chuyển chứng từ thực hiện theo
quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 59 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày
6/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều
22. Xử lý vi phạm
Người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài, cơ
quan thuế, cơ quan hải quan, công chức thuế, công chức hải quan, doanh nghiệp
bán hàng hoàn thuế, ngân hàng thương mại hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên
quan vi phạm quy định tại Thông tư này thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị
định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định việc xử lý vi
phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải
quan, Nghị định 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về việc
xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành
chính thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Nghị định này.
Điều
23. Chế độ báo cáo
1. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng
Nhà nước doanh số bán ngoại tệ cho người nước ngoài theo quy định.
2. Chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo của quý phát
sinh nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế báo cáo cơ quan thuế quản
lý trực tiếp về việc bán hàng cho người nước ngoài theo mẫu tại Phụ lục 9 Thông
tư này.
3. Định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 10 của tháng
sau, Cục Thuế nơi Ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bán hàng đăng ký, khai
thuế chủ trì phối hợp với Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan đồng cấp rà soát, đối
chiếu số tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp bán hàng đã kê khai hoặc đã nộp,
tiền thuế giá trị gia tăng và tiền phí dịch vụ hoàn thuế đã thanh toán cho ngân
hàng thương mại để đảm bảo khớp đúng số liệu giữa các bên. Trường hợp số liệu
không khớp đúng, các cơ quan phối hợp tìm nguyên nhân và xử lý bảo đảm việc
hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài theo đúng quy định.
4. Cục Thuế nơi Ngân hàng thương mại đăng ký, khai thuế tổng
hợp báo kết quả và tình hình thanh toán, hoàn trả tiền thuế đã ứng trước, tiền
phí dịch vụ hoàn thuế cho ngân hàng thương mại; các Cục thuế tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương báo cáo kết quả, tình hình bán hàng cho người nước ngoài của
doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế theo địa bàn quản lý với Tổng cục Thuế theo chế
độ quy định về quản lý thuế và Thông tư này.
5. Định kỳ 6 tháng một lần chậm nhất vào ngày 10 của
tháng 7 và ngày 10 của tháng 1, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài
chính việc thực hiện quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước
ngoài xuất cảnh.
Mục
3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
24. Quy định chuyển tiếp
Các đơn vị đang thực hiện thí điểm hoàn thuế giá trị gia
tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất
cảnh thì tiếp tục thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Thông
tư này.
Điều
25. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014,
thay thế Thông tư số 58/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
hướng dẫn thực hiện Quyết định số 05/2012/QĐ-TTg ngày 19/1/2012 của Thủ tướng
Chính phủ về việc thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của
người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay
quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Quyết định số 1317/QĐ-BTC ngày
28/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số
58/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện một số nội dung của
Quyết định số 05/2012/QĐ-TTg ngày 19/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc
thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài mua
tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và
sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
2. Trường hợp các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư
này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa
đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
3. Quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc, cơ quan
Hải quan, cơ quan Thuế, doanh nghiệp, người nước ngoài thuộc đối tượng hoàn
thuế giá trị gia tăng báo cáo, phản ánh cụ thể về Bộ Tài chính (Tổng cục Hải
quan) để được hướng dẫn giải quyết.
Điều
26. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục trưởng Tổng cục
Hải quan căn cứ vào quy định tại Thông tư này ban hành Quy trình thủ tục hải
quan về kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, hàng hóa của người nước ngoài
xuất cảnh, chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí cán bộ và phối hợp với Tổng cục Thuế
hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho
người nước ngoài được thống nhất, bảo đảm vừa tạo điều kiện thông thoáng cho
hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa thực hiện tốt công tác quản lý hải quan.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế căn cứ
vào quy định tại Thông tư này để ban hành Quy trình lựa chọn doanh nghiệp bán
hàng; hướng dẫn cơ quan thuế các cấp, doanh nghiệp bán hàng, ngân hàng thương
mại làm đại lý hoàn thuế, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hướng dẫn tại
Thông tư này trong phạm vi trách nhiệm được giao.
3. Cơ quan hải quan, cơ quan thuế, công chức hải quan,
công chức thuế, người nước ngoài, doanh nghiệp bán hàng, ngân hàng thương mại
là đại lý hoàn thuế, các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện
đúng quy định tại Thông tư này./.
PHỤ LỤC KÈM THEO