TT 09/2006/TT-BTM về đăng ký nhượng quyền thương mại

I. CƠ QUAN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI
II. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI
III. THÔNG BÁO THAY ĐỔI THÔNG TIN ĐĂNG KÝ TRONG HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI
IV. XOÁ ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
PHỤ LỤC KÈM THEO VĂN BẢN





























































THÔNG TƯ 09/2006/TT-BTM

ngày 25 tháng 5 năm 2006

Hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại

 

Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;

Căn cứ Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định số 35/2006/NĐ-CP);

Bộ Thương mại hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại quy định tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP như sau:

I. CƠ QUAN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

1. Bộ Thương mại là cơ quan đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là cơ quan đăng ký) trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP.

2. Sở Thương mại, Sở Thương mại Du lịch, Sở Du lịch Thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Thương mại) nơi thương nhân dự kiến nhượng quyền đăng ký kinh doanh là cơ quan đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là cơ quan đăng ký) trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP.

Các thương nhân quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP dự kiến nhượng quyền trong nước thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Sở Thương mại nơi thương nhân đặt trụ sở chính.

3. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký

a) Niêm yết công khai tại trụ sở làm việc các hướng dẫn về điều kiện, trình tự, thời gian và các thủ tục hành chính đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;

b) Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân khi hồ sơ của thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 19 của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này;

c) Đảm bảo thời gian đăng ký theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này;

d) Thu, trích nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

đ) Đưa và cập nhật thông tin về tình hình đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân lên trang thông tin điện tử (website) của Bộ Thương mại trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký, xoá đăng ký, chuyển đăng ký hoặc từ ngày nhận được thông báo của thương nhân về việc thay đổi thông tin đăng ký trong hoạt động nhượng quyền thương mại;

e) Thực hiện đầy đủ các chế độ lưu trữ hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

g) Kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhượng quyền thương mại theo thẩm quyền và thực hiện xoá đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại trong những trường hợp được quy định tại Điều 22 của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP;

h) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

II. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

1. Trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, thương nhân dự kiến nhượng quyền, bao gồm cả dự kiến nhượng quyền ban đầu và dự kiến nhượng quyền thứ cấp, phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Bộ Thương mại bao gồm:

a) Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-1 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt nam;

d) Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;

đ) Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp;

3. Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Sở Thương mại bao gồm:

a) Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-2 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;

d) Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;

đ) Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp;

4. Trong trường hợp giấy tờ tại điểm b, điểm d, điểm đ khoản 2 và khoản 3 Mục này được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được công chứng bởi cơ quan công chứng trong nước. Trường hợp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài tại điểm c khoản 2 Mục này được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại

a) Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại cơ quan đăng ký phải ghi giấy biên nhận. Giấy biên nhận hồ sơ được lập thành 03 liên theo mẫu TB-1A, TB-1B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, 01 liên giao cho thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và 02 liên lưu tại cơ quan đăng ký;

b) Đối với hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời gian tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký phải thông báo bằng văn bản, theo mẫu TB-2A, TB-2B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, cho thương nhân nộp hồ sơ để yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Thời hạn xử lý hồ sơ được tính từ thời điểm thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại  bổ sung hồ sơ đầy đủ;

c) Thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại có quyền đề nghị cơ quan đăng ký giải thích rõ những yêu cầu cần bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Cơ quan đăng ký có trách nhiệm trả lời đề nghị đó của thương nhân.

6. Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký có trách nhiệm đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu S1, S2 và thông báo cho thương nhân biết bằng văn bản theo mẫu TB-3A, TB-3B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Trường hợp từ chối đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký phải thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối theo mẫu TB-4A, TB-4B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Cơ quan đăng ký ghi mã số đăng ký trong Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo hướng dẫn như sau:

+ Mã số hình thức nhượng quyền: NQR là nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, NQV là nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam, NQTN là nhượng quyền trong nước.

+ Mã số tỉnh: 2 ký tự theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

+ Mã số thứ tự của doanh nghiệp: 6 ký tự, từ 000001 đến 999999.

+ Các mã số được viết cách nhau bằng dấu gạch ngang.

Ví dụ về ghi Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại:

+ Công ty A (đăng ký kinh doanh tại Hà Nội) là thương nhân thứ 3 đăng ký hoạt động nhượng quyền trong nước được ghi mã số đăng ký như sau: NQTN-01-000003.

+ Công ty B (đăng ký kinh doanh tại tỉnh Bình Dương) là thương nhân đầu tiên đăng ký hoạt động nhượng quyền ra nước ngoài được ghi mã số đăng ký như sau: NQR-46-000001.

7. Thu lệ phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại

Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại  của thương nhân, cơ quan đăng ký thu lệ phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

8. Đăng ký lại hoạt động nhượng quyền thương mại

Trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại trong nước tại khoản 2 Mục I của Thông tư này chuyển địa chỉ trụ sở chính sang tỉnh khác, thương nhân có trách nhiệm đăng ký lại hoạt động nhượng quyền thương mại tại cơ quan đăng ký nơi mình chuyển đến. Thủ tục đăng ký thực hiện theo hướng dẫn tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 của Mục này. Trong hồ sơ đăng ký phải có thêm thông báo chấp thuận đăng ký trước đây của cơ quan đăng ký nơi thương nhân đã đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại địa bàn mới, thương nhân có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký trước đây để ra thông báo chuyển đăng ký theo mẫu TB-6C tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

III. THÔNG BÁO THAY ĐỔI THÔNG TIN ĐĂNG KÝ TRONG HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

1. Khi có thay đổi về thông tin đã đăng ký tại Phần A Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và thông tin tại khoản 3 Điều 19 của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thay đổi, thương nhân phải thông báo cho cơ quan đăng ký nơi mình đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại về những thay đổi đó theo mẫu TB-5 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và gửi kèm tài liệu liên quan về những thay đổi đó.

2. Cơ quan đăng ký bổ sung tài liệu vào hồ sơ đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân.

IV. XOÁ ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân bị xoá trong những trường hợp quy định tại Điều 22 của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP.  Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày xoá đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân, cơ quan đăng ký có trách nhiệm công bố công khai tại trụ sở cơ quan việc xoá đăng ký theo mẫu TB-6A, TB-6B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này đồng thời cập nhật thông tin lên trang thông tin điện tử (website) của Bộ Thương mại.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Thương mại) có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại thuộc thẩm quyền của Bộ Thương mại theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Sở Thương mại căn cứ vào quy định của pháp luật và hướng dẫn của Thông tư này tổ chức thực hiện việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại cho thương nhân trên địa bàn.

3. Vụ Thương mại Điện tử (Bộ Thương mại) có trách nhiệm xây dựng trang thông tin điện tử (website), phần mềm quản lý thông tin về tình hình đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, hệ thống đăng ký trực tuyến hoạt động nhượng quyền thương mại để tiếp nhận hồ sơ đăng ký qua mạng, đồng thời hướng dẫn việc thực hiện cho Sở Thương mại và thương nhân.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Thương mại để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

PHỤ LỤC KÈM THEO VĂN BẢN

Phụ lục 1: Mã tỉnh

(Ban hành kèm theo Thông tư số  09 /2006/TT-BTM ngày  25  tháng  5

năm 2006 của Bộ Thương mại) 


STT

Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Mã số

1

Hà Nội

01

2

Hải Phòng

02

3

Hà Tây

03

4

Hải Dương

04

5

Hưng Yên

05

6

Hà Nam

06

7

Nam Định

07

8

Thái Bình

08

9

Ninh Bình

09

10

Hà Giang

10

11

Cao Bằng

11

12

Lào Cai

12

13

Bắc Kạn

13

14

Lạng Sơn

14

15

Tuyên Quang

15

16

Yên Bái

16

17

Thái Nguyên

17

18

Phú Thọ

18

19

 Vĩnh Phúc

19

20

Bắc Giang

20

21

Bắc Ninh

21

22

Quảng Ninh

22

23

Lai Châu

23

24

Sơn La

24

25

Hoà Bình

25

26

Thanh Hoá

26

27

Nghệ An

27

28

Hà Tĩnh

28

29

Quảng Bình

29

30

Quảng Trị

30

31

Thừa Thiên Huế

31

32

Đà Nẵng

32

33

Quảng Nam

33

34

Quảng Ngãi

34

35

Bình Định

35

36

Phú Yên

36

37

Khánh Hoà

37

38

Kon Tum

38

39

Gia Lai

39

40

Đăk Lăk

40

41

Thành phố Hồ Chí Minh

41

42

Lâm Đồng

42

43

Ninh Thuận

43

44

Bình Phước

44

45

Tây Ninh

45

46

Bình Dương

46

47

Đồng Nai

47

48

Bình Thuận

48

49

Bà Rịa- Vũng Tàu

49

50

Long An

50

51

Đồng Tháp

51

52

 An Giang

52

53

Tiền Giang

53

54

Vĩnh Long

54

55

Bến Tre

55

56

Kiên Giang

56

57

Cần Thơ

57

58

Trà Vinh

58

59

Sóc Trăng

59

60

Bạc Liêu

60

61

Cà Mau

61

62

Điện Biên

62

63

Đăk Nông

63

64

Hậu Giang

64


Phụ lục 2: Các biểu mẫu đăng ký Nhượng quyền thương mại 

BIỂU MẪU KÈM THEO


Phụ lục 3: Mẫu bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại

Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại

(Ban hành kèm theo Thông tư số   09  /2006/TT-BTM ngày   25  tháng  5

năm 2006 của Bộ Thương mại)

 

Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại này bao gồm một số thông tin cần thiết để bên dự kiến nhận quyền thương mại nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ký hợp đồng nhượng quyền thương mại. Bên dự kiến nhận quyền cần lưu ý:

* Nếu các bên không có thoả thuận khác, Bên dự kiến nhận quyền có ít nhất 15 ngày để nghiên cứu tài liệu này và các thông tin liên quan khác trước khi ký hợp đồng nhượng quyền thương mại.

* Nghiên cứu kỹ Luật Thương mại, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP và tài liệu này; thảo luận với những người nhận quyền khác đã hoặc đang kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại; tự đánh giá nguồn tài chính và khả năng của mình trong việc đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong phương thức kinh doanh này.

* Bên dự kiến nhận quyền nên tìm kiếm những tư vấn độc lập về mặt pháp lý, kế toán và kinh doanh trước khi ký hợp đồng nhượng quyền thương mại.

* Bên dự kiến nhận quyền nên tham gia các khóa đào tạo, đặc biệt nếu trước đó bên dự kiến nhận quyền chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh.

PHẦN A[42]

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ BÊN NHƯỢNG QUYỀN

1. Tên thương mại của bên nhượng quyền.

2. Địa chỉ trụ sở chính của bên nhượng quyền.

3. Điện thoại, fax (nếu có).

4. Ngày thành lập của bên nhượng quyền.

5. Thông tin về việc bên nhượng quyền là bên nhượng quyền ban đầu hay bên nhượng quyền thứ cấp.

6. Loại hình kinh doanh của bên nhượng quyền.

7. Lĩnh vực nhượng quyền.

8. Thông tin về việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại cơ quan có thẩm quyền[43].

II. NHÃN HIỆU HÀNG HÓA/DỊCH VỤ VÀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

1. Quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa/dịch vụ và bất cứ đối tượng sở hữu trí tuệ nào của bên nhận quyền.

2. Chi tiết về nhãn hiệu hàng hóa/dịch vụ và quyền đối với đối tượng sở hữu trí tuệ được đăng ký theo pháp luật.

PHẦN B[44]

I. THÔNG TIN VỀ BÊN NHƯỢNG QUYỀN

1. Sơ đồ tổ chức bộ máy.

2. Tên, nhiệm vụ và kinh nghiệm công tác của các thành viên ban giám đốc của bên nhượng quyền.

3. Thông tin về bộ phận phụ trách lĩnh vực nhượng quyền thương mại của bên nhượng quyền.

4. Kinh nghiệm của bên nhượng quyền trong lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền

5. Thông tin về việc kiện tụng liên quan tới hoạt động nhượng quyền thương mại của bên nhượng quyền trong vòng một (01) năm gần đây.

II. CHI PHÍ BAN ĐẦU MÀ BÊN NHẬN QUYỀN PHẢI TRẢ

1.  Loại và mức phí ban đầu mà bên nhận quyền phải trả.

2. Thời điểm trả phí.

3. Trường hợp nào phí được hoàn trả.

III. CÁC NGHĨA VỤ TÀI CHÍNH KHÁC CỦA BÊN NHẬN QUYỀN

Đối với mỗi một loại phí dưới đây, nói rõ mức phí được ấn định, thời điểm trả phí và trường hợp nào phí được hoàn trả:

1. Phí thu định kỳ.

2. Phí quảng cáo.

3. Phí đào tạo.

4. Phí dịch vụ.

5. Thanh toán tiền thuê.

6. Các loại phí khác.

IV. ĐẦU TƯ BAN ĐẦU CỦA BÊN NHẬN QUYỀN

Đầu tư ban đầu bao gồm các thông tin chính sau đây:

1. Địa điểm kinh doanh.

2. Trang thiết bị.

3. Chi phí trang trí.

4. Hàng hoá ban đầu phải mua.

5. Chi phí an ninh.

6. Những chi phí trả trước khác.

V. NGHĨA VỤ CỦA BÊN NHẬN QUYỀN PHẢI MUA HOẶC THUÊ NHỮNG THIẾT BỊ ĐỂ PHÙ HỢP VỚI HỆ THỐNG KINH DOANH DO BÊN NHƯỢNG QUYỀN QUY ĐỊNH

1. Bên nhận quyền có phải mua những vật dụng hay mua, thuê những thiết bị, sử dụng những dịch vụ nhất định nào để phù hợp với hệ thống kinh doanh do bên nhượng quyền quy định hay không.

2. Liệu có thể chỉnh sửa những quy định của hệ thống kinh doanh nhượng quyền thương mại không.

3. Nếu được phép chỉnh sửa hệ thống kinh doanh nhượng quyền thương mại, nói rõ cần những thủ tục gì.

VI. NGHĨA VỤ CỦA BÊN NHƯỢNG QUYỀN

1. Nghĩa vụ của bên nhượng quyền trước khi ký kết hợp đồng.

2. Nghĩa vụ của bên nhượng quyền trong suốt quá trình hoạt động.

3. Nghĩa vụ của bên nhượng quyền trong việc quyết định lựa chọn mặt bằng kinh doanh.

4. Đào tạo:

a. Đào tạo ban đầu.

b. Những khoá đào tạo bổ sung khác.

VII. MÔ TẢ THỊ TRƯỜNG CỦA HÀNG HÓA/DỊCH VỤ ĐƯỢC KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

1. Bản mô tả về thị trường chung của hàng hóa/dịch vụ là đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại.

2. Bản mô tả về thị trường của hàng hóa/dịch vụ là đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại thuộc lãnh thổ được phép hoạt động của bên nhận quyền.

3. Triển vọng cho sự phát triển của thị trường nêu trên.

VIII. HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI MẪU

1. Tên các điều khoản của hợp đồng.

2. Thời hạn của hợp đồng.

3. Điều kiện gia hạn hợp đồng.

4. Điều kiện để bên nhận quyền huỷ bỏ hợp đồng.

5. Điều kiện để bên nhượng quyền huỷ bỏ hợp đồng.

6. Nghĩa vụ của bên nhượng quyền/bên nhận quyền phát sinh từ việc huỷ bỏ hợp đồng.

7. Sửa đổi hợp đồng theo yêu cầu của bên nhượng quyền/bên nhận quyền.

8. Quy định về điều kiện chuyển giao hợp đồng nhượng quyền thương mại của bên nhận quyền cho thương nhân khác.

9. Trong trường hợp tử vong, tuyên bố không đủ điều kiện về bên nhượng quyền/bên nhận quyền.

IX. THÔNG TIN VỀ HỆ THỐNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

1. Số lượng cơ sở kinh doanh của bên nhượng quyền đang hoạt động.

2. Số lượng cơ sở kinh doanh của bên nhượng quyền đã ngừng kinh doanh.

3. Số lượng các hợp đồng nhượng quyền đã ký với các bên nhận quyền.

4. Số lượng các hợp đồng nhượng quyền đã được bên nhận quyền chuyển giao cho bên thứ ba.

5. Số lượng các cơ sở kinh doanh của bên nhận quyền được chuyển giao cho bên nhượng quyền.

6. Số lượng các hợp đồng nhượng quyền bị chấm dứt bởi bên nhượng quyền.

7. Số lượng các hợp đồng nhượng quyền bị chấm dứt bởi bên nhận quyền.

8. Số lượng các hợp đồng nhượng quyền không được gia hạn/được gia hạn.

X. BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA BÊN NHƯỢNG QUYỀN

Báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 01 năm gần nhất.

XI.  PHẦN THƯỞNG, SỰ CÔNG NHẬN SẼ NHẬN ĐƯỢC HOẶC TỔ CHỨC CẦN PHẢI THAM GIA

Chúng tôi cam kết rằng hệ thống kinh doanh dự kiến để nhượng quyền đã hoạt động được ít nhất một (01) năm; mọi thông tin trong tài liệu này và bất cứ thông tin bổ sung nào và các phụ lục đính kèm đều chính xác và đúng sự thật. Chúng tôi hiểu rằng việc đưa ra bất cứ thông tin gian dối nào trong tài liệu này là sự vi phạm pháp luật.

Đại diện bên nhượng quyền

(Ký tên và đóng dấu)


 TƯ VẤN & DỊCH VỤ