
Văn minh xã hội là gì ?
Trước khi lý giải tại sao Pháp luật lại là thước đo của văn minh xã hội thì chúng ta cần hiểu văn minh xã hội là gì. Đã có nhiều cách lý giải về văn minh xã hội, thêm một cách lý giải nữa của tôi như sau: Thường khi nói về một xã hội có văn minh là xã hội đã đạt được cấp độ phát triển nào đó trong chuỗi phát triển không có điểm cuối của nó. Trong chuỗi phát triển đó, con người và sự thỏa mãn nhu cầu của con người là tâm điểm, mà nhu cầu của con người là không giới hạn lại chính là "động cơ" làm cho văn minh xã hội phát triển không ngừng hết lớp văn minh này tới lớp văn minh khác. Biểu hiện khác biệt rõ nhất giữa các lớp văn minh là mức độ chuyên môn hóa sâu và rộng trong việc thỏa mãn các nhu cầu con người của mỗi lớp.
Nhu cầu bản năng và nhu cầu xã hội
Tháp nhu cầu con người của Maslow giống hình cái nón (Việt Nam) úp, còn với tôi, tháp nhu cầu con người là cái nón ngửa. Nghĩa là nhu cầu khởi phát mang tính bản thể hay bản năng của con người chỉ là số ít và đơn giản, càng lên cao thì nhu cầu con người càng nhiều và phức tạp. Đa số các nhu cầu đó phát sinh là bởi chịu tác động - áp lực - của xã hội (của phần cộng đồng người còn lại) nên tạo ra nhu cầu xã hội của con người bên cạnh các nhu cầu bản năng.
Cần nói thêm rằng, nếu chỉ có một cá thể thì không thể có nhu cầu xã hội và đương nhiên không thể có văn minh xã hội, vì nhu cầu xã hội của mỗi cá nhân là được phát tiết bởi "áp lực" đến từ những cá thể khác. Vậy, nhu cầu xã hội của mỗi con người có những biểu hiện cụ thể gì, có thể như: Nhu cầu được xã hội tôn trọng, nhu cầu tự do, nhu cầu công bằng, nhu cầu bầu cử, nhu cầu mang lại hòa bình cho thế giới, nhu cầu bay tới các vì sao, ... khác hoàn toàn với các nhu cầu bản năng như: nhu cầu ăn, ngủ, tình dục,... Và chính nhu cầu xã hội là yếu tố trọng yếu tạo nên văn minh xã hội, cấp độ thỏa mãn nhu cầu xã hội của con người sẽ tạo ra cấp độ văn minh xã hội; một quốc gia thỏa mãn nhu cầu xã hội của người dân tới đâu cũng là tiêu chí đánh giá cấp độ văn minh của quốc gia đó.
Hệ giá trị và sự ưu tiên hợp lý
Một số câu hỏi được đặt ra: Có phải chỉ cần làm thỏa mãn tối đa các nhu cầu của con người - Thực thể Cá nhân - trong một xã hội sẽ giúp xã hội đó trở lên văn minh ? Câu trả lời: đáp ứng nhu cầu con người là "yếu tố cần" phải có là tiên quyết, nhưng còn phải hội thêm "yếu tố đủ" thì văn minh xã hội mới có hình thái hoàn chỉnh. Lý giải này khiến chúng ta liên tưởng đến Thuyết Âm - Dương của Phương Đông và Thuyết Hai mặt đối lập của Phương Tây. Một xã hội chỉ biết một việc là làm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân của con người sẽ trở thành một xã hội ích kỷ, hỗn loạn, sẽ dần suy yếu và đến tự hủy diệt; bởi vì, mối bận tâm lớn nhất ở xã hội đó chỉ là quyền lợi vị kỷ của cá nhân hay nhóm cá nhân mà thôi.
Vậy thì, "yếu tố đủ" để hình thành nên một xã hội văn minh ở đây là gì ? Câu trả lời: hãy thiết lập Hệ giá trị và sự ưu tiên hợp lý phục vụ vì quyền lợi số đông - Thực thể Cộng đồng. Đề cập tới "Hệ giá trị" trong hoàn cảnh này xem ra có vẻ xa xỉ và khó hiểu, tuy nhiên lại rất đời thường: Coi trọng sự công bằng, sức khỏe, hạnh phúc của xã hội hơn là sự giàu có nhưng đầy độc hại, bất công ... "Sự ưu tiên hợp lý" nghĩa là đủ khôn ngoan để biết ưu tiên giá trị nào đặt trước, giá trị nào xếp sau. Một câu hỏi nữa: Cái gì đủ uy lực và sự thông thái để giúp "Hệ giá trị và sự ưu tiên hợp lý" kia luôn phục vụ vô tư vì quyền lợi số đông ? Câu trả lời đó là Pháp luật.
Pháp luật là thước đo của văn minh xã hội
Nếu nói rằng, Pháp luật là yếu tố có đủ uy lực và sự thông thái để bảo đảm "Hệ giá trị và sự ưu tiên hợp lý" được luật hóa và thực thi có thể gây hụt hẫng cho ai đó và ở đâu đó. Nhưng trên thế giới xưa - nay, Pháp luật (quốc gia và liên quốc gia) luôn hiện hữu là vỏ bọc hay tấm khiên chắn có sứ mệnh bảo vệ, duy trì các lớp văn minh xã hội, đồng thời bảo vệ "Hệ giá trị và sự ưu tiên hợp lý phục vụ vì số đông" của các lớp văn minh xã hội đó khỏi sự "xâm lăng" bởi "cái ác" hoặc những yếu tố phản phát triển. Quốc gia, liên quốc gia càng phát triển - văn minh thì người ta lại càng phải có cơ chế tốt nhất để "gia cố, chau chuốt" cho lớp vỏ (pháp luật) đó vững chãi và đẹp đẽ thì hẳn đó tuyệt đối không thể là sản phẩm của lối tư duy vị kỷ, ngẫu hứng và tầm thường.
Đến đây, các Quý vị có thể hiểu vì sao tôi nói "Pháp luật là thước đo của văn minh xã hội".

Pháp luật là cho cuộc sống của chúng ta
Để thêm chút liên quan thực tế, tôi xin nhắc lại một vài dòng mà tôi đã viết trong bài: Pháp luật là cho cuộc sống của chúng ta. Pháp luật Việt Nam ngày nay đang thay đổi bản chất, không chỉ là "sản phẩm" thuần túy của nhà nước, là công cụ để nhà nước quản lý xã hội, điều khiển hành vi của người dân theo ý chí chủ quan nhà nước; mà quan trọng hơn, người dân đang ảnh hưởng đáng kể vào việc tạo ra pháp luật, pháp luật đang là chuẩn mực dẫn chiếu cho các quan hệ - giao dịch, đặc biệt là các quan hệ - giao dịch tư nhân; pháp luật đóng vai trò là môi trường - định hướng để quan hệ - giao dịch tư nhân phát triển, bởi vì pháp luật được tạo ra là vì lợi ích của chúng ta.